• Ai mà chẳng có ngày tận thế !

    Học ở cây


    Minh họa Nguyễn Đức Trí


    Dọc triền sông có đoàn quân dừa nước
    Hành quân đêm vác giáo chổng lên trời
    Chắc mãi còn mơ những mùa chinh chiến
    Nên reo hoài, lá chưa chịu nghỉ ngơi


    Trên dưới hai mươi năm, cách chiếc cầu chừng hai, ba cây số về phía biển, dọc hai bên bờ sông Cái là thăm thẳm xanh như bất tận của những biền lá dừa nước.
    Khi ấy, không thiếu bóng dáng của những chiếc xuồng chèo xuôi ngược, tất bật rẽ sóng vào những sớm mai, những trưa đứng bóng hay buổi chiều loang nắng. Loài cây đắc dụng này cùng với những chiếc xuồng chèo là hình ảnh neo lại dai dẳng trong ký ức của nhiều đứa con miền sông nước.
    Biền dừa nước bện dày đến mức cư dân tự nghĩ ra cách “truyền thông” độc đáo: ở trên bờ muốn cho người dưới sông hay chỉ có cách bắc loa tay mà hú, còn những xuồng chèo bán hàng bông thì lại cất tiếng rao, rao hàng mà như ngâm, như hò, du dương dìu dặt. Một số xuồng bán hàng bông đắt hàng chỉ nhờ vào tiếng rao “trời cho” ngọt như đường cát mát tợ đường phèn ấy.
    Xa hơn nữa, trước cả hai ba chục năm, triền dừa nước này không thi vị như vậy mà chính là nỗi ám ảnh. Hạm đội nhỏ dẫu có cơ động đến mấy thì cũng chỉ là tung hoành trên sông, còn khuất trong những đám dừa nước chính là vùng đất cấm. Biền dừa nước chính là ranh giới. Một tàu lá lay động hay một cây cà bắp nhọn hoắt như những mũi giáo khẽ lung lay tưởng chừng vô hại nhưng nhiều khi lại là điềm triệu tử thần, cho cả bên này lẫn bên kia.
    Dưới lòng sông, cả trong từng thớ đất trên bờ cho đến mãi gần bốn mươi năm sau, thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy hoặc vô tình nhặt được những thứ thuộc về chiến tranh, chạm vào nó vẫn còn nghe nồng mùi binh lửa. Không ít thứ trong số chúng những tưởng đã ngủ yên nhưng khi được “gọi tên” đã nhanh nhảu “đáp lời”.
    Triền dừa nước bạt ngàn ấy bây giờ không còn nữa. Thỉnh thoảng lại bắt gặp vài bụi èo uột, theo dòng xuôi ra biển. Chưa biết chừng bụi dừa nước đó chính là “hậu duệ” cuối cùng của bụi dừa nước xưa kia từng là chỗ ẩn náu cho quân bên này hay quân bên kia trước lúc lao vào trận chiến một mất một còn. Chuyện “thương hải biến vi tang điền” là chuyện con người lúc “tức cảnh sinh tình”, nhưng khi đành đoạn rứt một cái cây ra khỏi lòng mình, đất chắc cũng biết đau?
    Thân dừa lão sau vườn có cái hốc nhỏ ấm áp, năm nào cặp sáo “quen mặt” cũng về làm tổ. Tụi trẻ trâu ngày ấy, trong một lần leo lên bắt sáo con, đã moi ra một đầu đạn lên gỉ đồng xanh rờn. Đầu đạn này sau khi được bắn ra khỏi nòng súng thì ghim thẳng vào thân dừa. Mối mọt lần theo vết đạn trên thân cây để kiếm ăn, lâu dần tạo thành cái hốc.
    Dĩ nhiên, lũ sáo không hay biết: chiếc tổ của chúng chỉ là một trong vô vàn những thứ được tạo thành bởi chiến tranh, ngay cả khi dị vật được lấy ra khỏi đó thì vết thương chẳng bao giờ lành lặn như xưa.
    Cây không thể chữa lành vết thương ác nghiệt trên thân thể nên thay vì kể đi kể lại cách viên đạn xuyên vào thân thể để suốt đời nhức nhối vì căm hờn, thì cây lại gọi mời chim về làm tổ. Cây vẫn nhớ về nỗi đau nhưng biết tự xoa dịu bằng cách nuôi dưỡng hiện thân của hòa bình, ngay trên chính vết thương của mình.
    Có nhiều cách để kể về chiến tranh mà không luận bàn chuyện thắng thua, thù hận và không gieo thêm bất kỳ tiếng súng vào lòng, bởi đâu cần thiết phải làm tổn thương thêm bất cứ trái tim nào ngoài những trái tim vốn dĩ vẫn chưa thôi rướm máu.
    Mong đến một ngày, những câu chuyện chiến tranh sẽ được kể bằng giọng tha thứ - cũng chính là ngày con người học được cách xoa dịu đau thương từ cây cối an nhiên xung quanh mình!

    LÊ MINH NHỰT

    ( Nguồn http://tuoitre.vn/ )

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    ductri.info@gmail.com

     

    TRANH BIẾM HỌA

    Danh sách Blog của Tôi

    Tranh minh họa

    Danh sách Blog của Tôi