• Ai mà chẳng có ngày tận thế !

    Ớt vẫn đỏ và muối vẫn trắng


    Minh họa _ Nguyễn Đức Trí

    TTCT - Các cháu tôi ở Mỹ và Nhật luôn được bố mẹ chuẩn bị sẵn ớt khô, ớt tương để đem sang (nếu về) và gửi sang (nếu tiện). 
    Thương con cháu thích ăn ớt nhà quê, nhưng hàng tươi khó giữ được lâu nên chị dâu và chị gái của tôi thường tự làm ớt khô, ớt tương gửi cho chúng, vừa rẻ lại vừa sạch. 
    Nhà vì vậy thường xộc mùi ớt, mùi tương vào những hôm “xưởng gia đình” hoạt động. Xưởng gia đình là cách nói đùa của tôi. Bước vào gian bếp đã thấy ngay chảo ớt làm tương được xào trên lửa liu riu, cay nồng và thơm đượm.
    Dưới nắng, nơi những cái mâm bắc trên ghế là những trái ớt đỏ xoe và đẹp rực nằm đan ken, chen chúc. Màu đỏ của ớt không hề phai bớt dẫu cho nắng có gắt đến đâu, dẫu cho từng trái ớt một cứ quắt khô dần và teo tóp lại.
    Ớt ở đây không là ớt sừng trâu mà là ớt hai mũi tên đỏ. Giống ớt này không to trái nhưng rất ngon và cả hai loại đều được trồng tại Phù Mỹ (Bình Định). Cũng tại đây, mới hồi đầu năm một ký ớt sừng trâu phải xấp xỉ 50.000 đồng.
    Và cứ giảm giá dần rồi cách đây mấy tháng vẫn còn đứng được ở mức 12.000 đồng/kg, thế mà hiện giờ trụi lủi: 2.000 đồng!
    Mà ớt? Cần thiết đến thế... Bữa cơm có ớt là có bao hương vị nồng cay khiến vị giác được kích thích. Thế nên bữa cơm thiếu ớt nhạt thếch và món ăn không ớt chán phèo. Đơn cử như cá kho, nếu kho mặn có vài trái ớt tươi thả vào xoong hay kho dẻo, kho keo mà có nhúm ớt khô để ướp, con cá sẽ thấm tháp và ngon gấp nhiều lần.
    Ở bên đó các cháu tôi không chỉ dùng ớt khô để kho mà còn để trộn với mắm ruốc (cũng ở nhà đem sang). Rồi trộn với muối để chấm mấy thứ trái cây chua và có lần chặc lưỡi khi kể lại: “Giá được chút muối ở bên mình”.
    Bên mình đây chỉ gọn là Bình Định và không thể phủ nhận muối ở đây rất ngon. Mấy bà bạn tôi mỗi lần vô Sài Gòn thăm con cháu ngoài đóng gói hải sản, bánh trái, các thứ mắm, dầu phộng, rượu Bàu Đá... không bao giờ để thiếu vài lon muối hầm, mà phải là muối Đề Gi. 
    Quả thật, cá tôm thu hoạch được từ cửa biển Đề Gi đều rất ngon và muối sao có thể khác? Nhưng có ngon nhiều hay là ngon ít, ở đây giá muối giờ cũng chỉ trọn lỏn: 1.000 đồng/kg. Nói về sự bèo bọt của muối, một người bán đồ khô mà tôi quen đã rất bức xúc khi kết lại: “Muối trắng nhưng không thắng”. 
    Phải chứng kiến những diêm dân đổ mồ hôi trên từng ô ruộng khi phơi mình trong nắng nhiều ngày để chắt lọc tinh túy những mặn mòi của biển khơi mới thấy hết ý nghĩa của từng đống muối trắng phau và vun đầy, rồi giật mình cho con số 10.000 tấn muối sản xuất năm 2014 còn tồn đọng.
    Lập tức liên tưởng ngay đến những hệ lụy mà người làm muối phải trực tiếp hứng chịu. Hạt muối truân chuyên và hạt muối lận đận đồng nghĩa với diêm dân lao đao và diêm dân khó nghèo. Ngẫm ra, muối trắng thế mà cuộc sống của người làm muối mới đen đủi sao! 
    Muối mặn vì vậy còn chát và đắng. 
    Trưa nay, bữa cơm của chúng tôi có ba món: mực xào ớt chuông đỏ, cá nục kho keo, canh cá liệt nấu thơm cà. Nhà không có trẻ con nên tha hồ dùng ớt. Ớt tươi xắt vô tô canh, giằm mắm trong để chấm rồi ớt khô, thấm đẫm hết mấy con cá kho.
    Mâm ăn hấp dẫn hơn bởi màu đỏ của ớt. Do có quá tay nên cay nhiều và tôi không đừng được phải hít hà. Thêm chút âm thanh hiếm hoi đó cộng với tiếng muỗng đũa khua nhẹ, tiếng chuyện trò, giỡn cười khiến bữa ăn thêm sinh động. Chúng tôi nói vui là nhà mình đang ở nốt thăng. 
    Nhưng rồi cũng vì những hít hà bởi cay mà tự dưng câu chuyện về ớt được gợi ra và tự nhiên mâm cơm trầm hẳn. Chúng tôi cùng nói về giá ớt rớt thê thảm, nông dân thua lỗ vốn đầu tư nên bỏ không nhiều ruộng ớt đang chín rộ ngoài Phù Mỹ... Rồi vớt vát: “Được mùa ớt nhưng trớt huớt” cho qua chuyện.
    Ớt cay đã đành và thêm nữa ớt chát và ớt đắng.
    Có vẻ ớt rớt giá khiến bữa cơm của chúng tôi cứ rớt rơi dần những niềm vui đơn sơ và trong trẻo thường ngày.
    NGUYỄN MỸ NỮ 
    (Theo Tuoitre.vn)

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    ductri.info@gmail.com

     

    TRANH BIẾM HỌA

    Danh sách Blog của Tôi

    Tranh minh họa

    Danh sách Blog của Tôi